top of page

Tìm ra năng lực của bản thân, dùng đúng chỗ, và giải quyết đúng vấn đề



NGUYỄN TIẾN ĐẠT -

Học viên Khoá CUiD 07


💼 Hiện tại mình đang tập trung học và củng cố nền tảng vững chắc cho sự nghiệp UX Design


👍 Mình thích nghe nhạc và đọc sách, trước còn chơi nhạc (saxophone) nhưng từ hồi biết đến UXUI thì chỉ còn thời gian nghe nhạc thôi


💬 It's better to fail in originality than to succeed in imitation



Cơ duyên gì đưa bạn tới UI/UX?


Sau 2 năm học International Business ở VNU thì mình quyết định dừng lại bởi nhiều lí do khác nhau. Sau khoảng thời gian suy nghĩ, xem xét những yếu tố nội tại và khách quan thì mình lựa chọn Graphic Design để theo đuổi. Và môi trường đầu tiên mình lựa chọn để học tập là FPT Arena, bằng cách giành học bổng của trường để thuyết phục bố mẹ. Trong thời gian học thì mình có tham gia 1 vài vị trí thực tập/ làm việc trong mảng Marketing & Advertising/ Packaging Design. Tới kỳ 2/2021 thì mình được tiếp xúc sâu hơn với những khái niệm UX/UI Design rồi hình thành niềm đam mê, ý muốn học tập lâu dài trong ngành.


Thời gian đầu thật sự là rất vất vả bởi những khái niệm học thuật hay quy trình làm việc với mình thật sự rất xa vời, khó hiểu. Phần lớn là phải tự tìm hiểu ở các forums/ groups hoặc các nền tảng kiến thức khác: NNgroup, Interaction Foundation, Cousera... Bằng cách thu thập, ghi chép bằng Notion, reviews và ứng dụng vào những Projects/ Design Challenges nhỏ thì mình cũng dần làm quen và thông thuộc được 1 vài phần nào đó.


Hiện tại thì mình cũng có 5-7 phần tự tin, để apply một vị trí phù hợp với bản thân. Rất mong các bạn đang chuẩn bị bước vào ĐH, hay đang lựa chọn ngành nghề, có một cái nhìn đủ bao quát và sâu sắc để lựa chọn ngành nghề phù hợp với mình. Đối với mình có thể là chưa muộn, 2 năm cũng không phải là cái giá quá đắt để nhận ra và thay đổi, nhưng hơn hết, vẫn nên kỹ càng trong từng bước đi. Tuổi trẻ có quyền được thử, được trải nghiệm; nhưng thử đôi ba lần thì có được kinh nghiệm, thử nhiều nó "ô dề".


Trong giai đoạn đi học và tự học ấy, bạn đã gặp những khó khăn/thuận lợi gì?


Mình luôn cho rằng mình là một người may mắn (mặc dù thực tế vả cho sấp mặt) bởi mình thường xuyên được gặp và chỉ dẫn bởi những con người dày dặn thâm niên kinh nghiệm, nên những kiến thức, chia sẻ mình cập nhật được có phần thuận tiện hơn, giúp đỡ mình rất nhiều trong quá trình tự học, tự tìm hiểu sau đó. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, mình chưa biết tận dụng, khai thác tối đa những cơ hội ấy, nên có khá nhiều điều để tiếc nuối! Ở đây mình muốn nói, cơ hội một khi đã trao cho bạn, thì hãy chủ động, mạnh dạn nắm lấy và biến nó thành những điều lợi thế, cũng như khác biệt cho bản thân với môi trường còn nhiều cạnh tranh phía trước.


Hiện tại thì những kiến thức, lý thuyết, thực hành không khó để tìm thấy bằng 1, 2 click chuột, ...có thể được tận dụng để tìm hiểu mọi lúc, mọi nơi với nguồn trữ liệu lớn, và đa dạng; điều cần làm là hãy dành thời gian để sắp xếp, hệ thống chúng lại một cách hợp lí, để có một lộ trình phù hợp với khả năng, và cảm xúc của bản thân tạo động lực để có thể dễ dàng tiếp thu hơn. Nhưng đó chỉ là một phần, điều quan trọng hơn cả, hãy nhắc nhở mình mỗi ngày: Hãy kỷ luật, hãy tự giác, hãy học tập tích cực!

Ở hiện tại, điều thực sự gian nan với mình ở thời điểm này là hiểu bản thân muốn gì, làm sao để đạt được điều đó? – và đó hẳn cũng là điều mà mình luôn cảm thấy khó khăn nhất, bối rối nhất để có thể vượt qua.


Chia sẻ về đề tài bạn chọn cho bài cuối khoá CUiD tại Mirr


Lí do đầu tiên, mình muốn làm một điều gì đó có ích với cuộc sống hiện tại, với xã hội, dù là một ý tưởng nhen nhóm. Tiếp theo đó, như đã chia sẻ phía trên, mình cũng đã có những khoảng thời gian gần 2 năm để đấu tranh, loay hoay tìm kiếm con đường sự nghiệp cho riêng mình, sau những thử nghiệm không mấy tự hào. Dưới góc nhìn khách quan, chắc hẳn có rất nhiều người cũng đã, đang và sẽ rơi vào tình trạng như mình đã chia sẻ.


Việc bắt đầu trong bất kỳ một lĩnh vực mới mẻ nào thì đều rất thú vị và nhiều hứng khởi, nhưng song song với đó là những thách thức và khó khăn, không phải lúc nào cũng dễ dàng để đón nhận và tìm ra cách giải quyết. Vậy nên, nếu như có cơ hội nhận được sự dẫn dắt hay chỉ đơn giản là những chia sẻ từ một người mentor (Expert/ professional) thì đó là một điều hữu ích, sâu sắc vô cùng. Âu đây sẽ là bước khởi đầu quan trọng, giúp cho con đường sự nghiệp được phần nào dễ dàng hơn. Và đó cũng là điều mình đang đi tìm kiếm bấy lâu.


Tuy nhiên, để có cơ hội được kết nối với những mentors dày dặn kinh nghiệm như vậy là điều chẳng phải dễ dàng. Vậy ở điều kiện nào, môi trường nào sẽ cho phép bạn được gặp gỡ, học hỏi từ những con người chất lượng như thế? Do đó, mình đã lựa chọn chính vấn đề này là đề tài cho bài cuối khóa CUiD 07 tại Mirr. Biết đâu, có thể là một giải pháp thiết thực, góp phần phát triển nền giáo dục kế cận.



Quá trình thực hiện dự án cuối khoá của bạn diễn ra thế nào


Quá trình làm bài của mình khá là thú vị, có lẽ là đầy đủ các khung bậc cảm xúc: từ tò mò, hứng thú khi bắt đầu dự án, nghiên cứu và tổng hợp những kiến thức xa lạ và mới mẻ; tiếp theo đấy là lúng túng, bối rối khi có quá nhiều vấn đề xảy ra và cần giải quyết cùng một lúc. Có những khi 2 – 3 ngày không làm được gì, nhưng tới lúc có thể tìm thấy hướng để khơi thông được những bế tắc ấy thì thật sự rất vui! Quá trình ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, sau mỗi một chuỗi như vậy mình lại thu nhặt về được rất nhiều kiến thức, bài học, không chỉ trong khuôn khổ dự án nữa mà cả những điều thiết thực liên quan tới cảm xúc, con người, và kinh nghiệm thực tế, rất đáng để ghi nhớ.


Bởi mình thực hiện dự án một mình, kỳ vọng lớn, đề tài cũng như khối lượng công việc khá nặng với một người mới như mình, nên việc dành 8 – 12 tiếng/ngày, thậm chí là cả ngày cho dự án thì cũng là một điều mà mình cảm thấy xứng đáng!


Và thật sự rất may mắn khi mình gặp được những người anh, tuy là giảng viên khóa nhưng thực sự mọi người rất tốt, rất gần gũi, rất chuyên nghiệp và năng lượng. Mình có thể học hỏi, chia sẻ, và nhận được sự đồng cảm rất nhiều, cho mình rất nhiều động lực, niềm tin cũng như định hướng để cố gắng! (1, 2h sáng vẫn hỏi thì hơi ác thật, em xin lỗi các anh)


Sau những thăng trầm, 3 tuần thiếu ăn thiếu ngủ thì dự án cũng được hoàn thành. Tuy không thực sự xứng đáng với kỳ vọng, nhưng đó cũng là một mốc đánh dấu cho sự tiến bộ và cố gắng của bản thân, là một nguồn động lực để mình có thể cố gắng trong hành trình còn dài phía trước!





Đạt trước và sau khoá học có thay đổi như nào?


Thay đổi thì có thể không dễ để thấy, nhưng sau khóa học này, sau dự án này đọng lại trong hành trình của mình rất rất nhiều bài học, nhận thức và cảm xúc; bổ sung cho mình rất nhiều những thiếu sót, những lỗ hổng mà mình nghĩ là sẽ khó có ai cho mình thấy được.

  • Mình đã được bổ sung những kỹ năng về Design Thinking, công cụ, …

  • Mình tìm được những thiếu xót trong quy trình làm việc, từ đó xây dựng một workspace chỉn chu, phù hợp hơn với bản thân

  • Mình biết lắng nghe hơn, biết tiếp thu, chủ động, tích cực học hỏi – phản biện từ các bạn, các anh chị; gạt được phần nào cái “tôi” to tướng ra khỏi công việc.

Từ tất cả đã tạo cho mình một nguồn động lực to lớn để có thể tự tin nói rằng, mình đang đi đúng hướng, và mình biết bước tiếp theo của mình là gì, và cần làm gì để có thể đạt được nó!


Mục đích của dự án là xây dựng cộng đồng để các bạn giống như mình có thể tìm được mentor, tìm được giải pháp, hướng đi cho bản thân, nhưng tới cuối cùng, người được giải quyết tất cả những vấn đề ấy lại là chính mình. Những điều mình nhận được sau CUiD là rất nhiều, ở thời điểm này thực sự rất giá trị!


Có một bài học lớn mình nhận ra là: “Siêng năng chỉ là một bước đệm, điều quan trọng hơn là biết dùng năng lực của mình đúng chỗ, giải quyết đúng vấn đề. Và điều cần cải thiện là giá trị bản thân tạo ra, chứ không phải chỉ biết cắm đầu vào làm việc chăm chỉ!”





Dự định sắp tới của Đạt cho dự án này


Sau đây mình cũng có dự định phát triển dự án đầy đủ, chuyên nghiệp hơn, đi từ những cái nhìn thực tế, và giải quyết những vấn đề thiết thực hơn, khỏa lấp những điều mình cho là còn đang thiếu sót, và sơ khai. Rất mong ở đâu đó, mình có thể tìm thêm được những tâm hồn chung chí hướng, để cùng phát triển nó một cách sâu sắc hơn và hy vọng sẽ có 1 phần nào đấy được trở thành hiện thực, mang lại giá trị cho xã hội.


3 lời khuyên cho các bạn fresher khi bắt đầu tìm hiểu về UI/UX


Hơn tất cả là hãy chủ động lên! Cơ hội thì luôn ở xung quanh mình, và chính bản thân mình là thành tố để những cơ hội ấy được hình thành, vậy nên đừng bao giờ dại dột ngại ngùng bỏ qua chúng, hãy tận dụng và khai thác tất cả những gì mà bạn có thể thấy được. Chủ động nỗ lực học tập, tích lũy từ bất kỳ ai bằng thái độ tích cực, và tự xây dựng hành trình khác biệt của chính mình. Trong môi trường làm việc, sẽ khó để bạn có thể làm mọi thứ 1 mình, vậy nên việc chủ động kết nối, chủ động hợp tác và chia sẻ cũng là điều cần chú ý!


Thứ hai, hãy sống và làm việc tích cực, có kế hoạch. Việc lập kế hoạch là điều thực sự cần thiết, trước mắt có thể giúp mình hoàn thành dự án một cách khoa học, đảm bảo tiến độ dự án và sức khỏe của bản thân. Tiếp theo đó, nó có thể giúp bạn có một cái nhìn tổng quan, xây dựng những lộ trình dài hơi hơn, phục vụ cho con đường thăng tiến, sự nghiệp phát triển bền vững hơn. Hãy bắt đầu bằng những kế hoạch 1 tháng, 2 tháng; những mục tiêu 1 năm, 2 năm hay đơn giản là cuối tuần này? Cuối khóa học này bạn sẽ phải có được gì?


Thứ 3, hãy kiên trì! Việc tìm được con đường, hay đặt mục tiêu cho nó đều là những điều rất tốt rồi, nhưng hãy thêm một chút kiên trì, chắc hẳn thành quả mang lại sẽ đều rất xứng đáng với tất cả công sức mà bạn đã cố gắng!


3 bài học lớn này, đều là những điều mình đã gặt hái được sau vỏn vẹn hơn 1 tháng học tập tại Mirr, và đồng hành với những con người chất lượng. Thật sự gửi một lời cảm ơn sâu sắc tới 3 giảng viên Duy Linh, Duy Lu và Quan La. Cảm ơn lớp CUiD 07 & Mirr!


Kết nối với mình qua LinkedIn để cùng học hỏi và chia sẻ kiến thức kinh nghiệm nhé!

157 views0 comments

Comentarios


​UI/UX Course

Học tư duy thiết kế, thực hành thiết kế và tăng giá trị của thiết kế trong team

UX Career Support

Trở thành UX Designer chuyên nghiệp ​với sự  dẫn dắt 1-1 từ mentor

bottom of page