Bạn đang phỏng vấn cho vị trí UX/UI Design?
Đây là một số các câu hỏi thường gặp ở Entry-level UX/UI mà bạn thường gặp, bạn có thể tham khảo thêm nhé.
Các câu hỏi phỏng vấn ở lĩnh vực UX thường tập trung vào năm lĩnh vực chính:
Những câu hỏi về bạn
Câu hỏi về kinh nghiệm làm việc của bạn
Các câu hỏi về chuyên môn và quy trình làm việc
Câu hỏi về hành vi của bạn
Câu hỏi về mục tiêu của bạn
Mình sẽ chia theo cấp độ chuyên môn & kỹ năng mềm, cũng như một số câu hỏi ngoài lề khác để các bạn có thể dễ theo dõi hơn.
Bạn là ai?
Bạn hãy giới thiệu về bản thân mình
→ Nhà tuyển dụng muốn biết: họ sẽ ấn tượng với bạn với những điều gì?
Hầu như trong các cuộc phỏng vấn, đây sẽ là câu đầu tiên bạn được hỏi. Nghe có vẻ giống như một câu hỏi làm quen đơn giản, nhưng còn nhiều điều hơn thế nữa. Đây là cơ hội để bạn giải thích hành trình của mình với thiết kế UX.
Điều gì khiến bạn quan tâm đến UX? Bạn đã có kinh nghiệm gì trong các công việc hoặc khóa học trước đây đã truyền cảm hứng cho bạn theo đuổi sự nghiệp thiết kế UX?
Sẽ không sao nếu bạn chưa có bất kỳ kinh nghiệm nào trước đây khi làm việc với tư cách là nhà thiết kế UX. Hãy nghĩ về những kỹ năng thiết kế UX mà bạn có thể đã sử dụng trong một vai trò khác và liên hệ chúng ở đây.
Đây cũng là thời điểm tuyệt vời để bày tỏ điều khiến bạn phấn khích về vị trí mà bạn đang ứng tuyển và tại sao bạn nghĩ mình là ứng viên phù hợp nhất.
Bạn có thể cho tôi biết tại sao bạn lại chọn theo đuổi nghề thiết kế UX không?
→ Nhà tuyển dụng muốn biết: động lực bạn có đủ mạnh để theo nghề này lâu dài hay không
Nếu gặp câu hỏi này, đây là thời điểm để bạn tỏa sáng, đặc biệt nếu bạn đang phỏng vấn cho một vị trí mới bắt đầu. Hãy chắc chắn rằng bạn giải quyết những vấn đề sau:
Đồng cảm (Empathy): Đảm bảo rằng người phỏng vấn thấy bạn giỏi phân tích nhu cầu của người dùng và có sự đồng cảm với những người sử dụng thiết kế của bạn.
Kỹ năng giải quyết vấn đề: Thiết kế UX không chỉ là thiết kế; đó cũng là việc giúp người dùng giải quyết những thách thức lớn nhất của họ. Câu trả lời của bạn nên chứng minh rằng bạn có kỹ năng giải quyết vấn đề, tốt nhất có thể trong khả năng của bạn.
Kỹ năng quản lý thời gian: Các nhà tuyển dụng luôn muốn tìm những người luôn đáp ứng thời hạn. Hãy đảm bảo câu trả lời của bạn thuyết phục người phỏng vấn về khả năng xử lý các nhiệm vụ nhạy cảm về thời gian của bạn.
Hãy gây ấn tượng với nhà tuyển dụng với một câu trả lời hừng hực khí chất sẵn sàng để luôn đi đầu trong các xu hướng của ngành và sử dụng phản hồi tiêu cực để cải thiện thiết kế của bạn.
Lĩnh vực trọng tâm của bạn là gì — UX Researcher, UX Designer hay Visual Designer?
Tùy vào vị trí mà bạn đang ứng tuyển, để cho chắc chắn, nhà tuyển dụng cũng thường xuyên hỏi lại câu này để biết bạn không ứng tuyển sai với lĩnh vực trọng tâm của bạn.
Bạn có thể muốn tuyên bố mình có chuyên môn trong cả ba lĩnh vực, tuy nhiên, đó là câu trả lời sai.
Hãy tập trung vào sức mạnh lớn nhất để đảm bảo niềm đam mê của bạn được thể hiện rõ ràng. Nếu chỉ thảo luận về một lĩnh vực trọng tâm sẽ giúp dễ dàng chứng minh rằng bạn đã nghiên cứu về công ty và hiểu nhu cầu của công ty.
Kinh nghiệm của bạn
Portfolio của bạn
→ Nhà tuyển dụng muốn biết: Liệu kinh nghiệm của bạn có phù hợp với cái họ tìm hay không?
Nhà tuyển dụng sẽ muốn xem portfolio của bạn để đảm bảo rằng bạn có tất cả các kỹ năng quan trọng mà bạn đã liệt kê trong CV.
Để có kết quả tốt nhất, hãy chuẩn bị một bài thuyết trình cho từng dự án. Case Study giúp nhà tuyển dụng hiểu cách bạn tiếp cận các thách thức thiết kế dễ dàng hơn.
Nếu bạn chưa có portfolio, hãy tham khảo 12 đầu mục không thể thiếu trong case study của bạn nhé!
Hãy cho tôi biết về dự án thiết kế thành công nhất/kém thành công nhất của bạn
→ Nhà tuyển dụng muốn biết: Điểm mạnh hay điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
Bình thường bạn sẽ được hỏi về dự án thiết kế thành công nhất nhiều hơn. Đây là cơ hội để bạn thể hiện điểm mạnh của mình. Sơ lược những đóng góp của bạn cho dự án, sau đó đi vào chi tiết hơn một chút về điều gì đã khiến nó thành công như vậy. Khi bạn chuẩn bị cho câu hỏi này, hãy xem liệu bạn có thể kết hợp một số phẩm chất được liệt kê trong bản mô tả công việc cho vai trò đó hay không.
Đối với “dự án thiết kế kém thành công nhất”, bạn đừng ngại chia sẻ những điểm yếu của bạn. Hãy trung thực, nhưng hãy tập trung vào những gì bạn học được từ dự án không mấy thành công và những gì bạn sẽ làm khác đi trong tương lai.
Cho dù bạn nhận được phiên bản nào của câu hỏi, hãy coi đó là cơ hội để xác định cách bạn đo lường thành công.
Chuyên môn & Quy trình thiết kế
UX Design là gì?
→ Hiring Manager muốn biết: Bạn có hiểu được giá trị của UX Design không
Khi hỏi câu hỏi này, nhà tuyển dụng sẽ không muốn những câu trả lời chung chung trong sách vở. Thay vào đó, họ đang muốn tìm kiếm bạn thật sự hiểu gì về Trải nghiệm người dùng (User Experience) - làm cách nào để nó mang lại được giá trị cho cả người dùng và doanh nghiệp. Cũng như họ đang yêu cầu bạn giải thích các khía cạnh thực tế của UX dựa trên kinh nghiệm cá nhân và nghề nghiệp của bạn.
Ở đây, như bạn đã biết, UX Design luôn là vị trí lấy người dùng làm trung tâm. Bạn có thể cân nhắc cách bạn thấu cảm với người dùng thế nào để tạo ra được giá trị. Đặc biệt là, bạn có thể cho người nghe thấy cách bạn luôn đặt người dùng làm trung tâm như thế nào thông qua cách phương pháp phổ biết: persona, user empathy map, user journey map, usability testing,…
💡 Hãy xác định người dùng là ai và họ muốn gì.
Sự khác biệt giữa thiết kế UX và các ngành thiết kế khác là gì?
→ Hiring Manager muốn biết: Bạn có hiểu được giá trị của UX Design không
Ở câu hỏi này, bạn không cần phải trả lời quá chi tiết, nhưng cái quan trọng nhất đó chính là tính ứng dụng của UX Design. Ngược lại, thiết kế đồ họa tập trung vào giao diện, ấn tượng bên ngoài nhiều hơn.
Đừng lo lắng nếu bạn nghĩ rằng câu trả lời này quá ngắn — đây chính xác là những gì người phỏng vấn muốn nghe. Nhà tuyển dụng cần biết rằng bạn hiểu mục đích của thiết kế UX theo bạn hiểu và cách nó phù hợp với các loại thiết kế khác trong một tổ chức. Điều này đặc biệt quan trọng nếu nhà tuyển dụng tiềm năng có các bộ phận riêng biệt về thiết kế UX và thiết kế UI.
Điều gì truyền cảm hứng cho bạn để tạo ra thiết kế của bạn?
→ Nhà tuyển dụng muốn biết: sự cầu tiến và tư duy của bạn được xuất phát từ đâu, và bạn có thể đi xa với nó được không
Đây là một câu hỏi mẹo nho nhỏ, để nhà tuyển dụng xem tại sao bạn lại được “tổ thiết kế” gọi để theo đuổi nghề này. Dù bất kì nguồn nào là cảm hứng của bạn, bạn hãy chia sẻ nó với nhà tuyển dụng nhé.
Các buổi workshop, hoặc webinar bạn từng tham dự cũng rất hữu ích, hoặc các bản tin bạn đọc thường xuyên. Điều này cho người phỏng vấn thấy rằng bạn cam kết phát triển nghề nghiệp và sẵn sàng dành thời gian để cập nhật các xu hướng đang thay đổi. Bạn thậm chí có thể thảo luận về những cuốn sách thiết kế yêu thích của mình hoặc tóm tắt một số cuộc thảo luận mà bạn đã có với mentor (nếu có) của mình.
Hãy cho tôi biết về một số ví dụ yêu thích của bạn về trải nghiệm người dùng tốt
→ Nhà tuyển dụng muốn biết: Bạn có hiểu các yếu tố của trải nghiệm người dùng không? Và như thế nào là tốt?
Câu hỏi này dùng để đào sâu kiến thức của bạn về các phương pháp hay nhất về trải nghiệm người dùng.
Hãy nghĩ về những điều đã làm bạn ấn tượng trước đây: những yếu tố nào trong nhữ ng sản phẩm, ứng dụng hoặc trang web khiến trải nghiệm người dùng thú vị hơn? Thiết kế ấy đã lấy người dùng làm trung tâm như thế nào? Điều đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty như thế nào?
Quy trình thiết kế của bạn là gì?
→ Nhà tuyển dụng muốn biết: Quá trình suy nghĩ của bạn khi giải quyết vấn đề là gì?
Câu hỏi này liên quan đến cách tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn. Hãy chọn một dự án thành công mà bạn đã thực hiện trước đây và dẫn dắt mọi người qua các bước bạn đã thực hiện. Cách bạn trả lời nên giống như chính quy trình thiết kế bạn dùng, bằng cách đề cập đến cách bạn nghiên cứu, thiết kế và xác thực các quyết định thiết kế của mình. Tránh trả lời câu hỏi này một cách chung chung.
Sau khi bạn cung cấp một số thông tin về quy trình thiết kế của mình, hãy giải thích cách bạn tiến hành phân tích nhu cầu của người dùng và đảm bảo các quyết định thiết kế của bạn phù hợp với họ. Sau đó, giải thích cách bạn xem xét các mục tiêu của công ty (ở đây có thể dự án bạn nhắc đến) trong khi đưa ra các quyết định thiết kế tương tự. Đảm bảo câu trả lời của bạn bao gồm giải thích về cách bạn lấy mẫu thị trường mục tiêu, khám phá mục tiêu của họ và giải quyết vấn đề của họ bằng thiết kế của bạn.
Bạn sử dụng loại phương pháp nghiên cứu nào?
→ Nhà tuyển dụng muốn biết: Làm thế nào để bạn xác nhận các quyết định phương pháp của bạn?
Nghiên cứu người dùng là một phần quan trọng của quy trình thiết kế UX, vì vậy người phỏng vấn đôi khi sẽ muốn đánh giá mức độ quen thuộc của bạn với quy trình và phương pháp.
Bạn nên nhắc đến mọi phương pháp nghiên cứu người dùng mà bạn đã sử dụng trước đây (bao gồm nghiên cứu bạn đã thực hiện như một phần của khóa học bạn đã học qua hoặc bạn tự học, tự ứng dụng vào dự án của mình). Nói về những lợi ích và hạn chế của từng phương pháp.
Nếu bạn có ít kinh nghiệm về thiết kế UX, bạn cũng có thể đưa ra câu trả lời của mình về các phương pháp nghiên cứu mà bạn muốn thử và lý do tại sao.
Hành vi của bạn
Khi gặp các feedback tiêu cực, bạn đã phản hồi như thế nào?
→ Nhà tuyển dụng muốn biết: Bạn có thể cộng tác theo nhóm được không?
Trong lúc phỏng vấn, nhà tuyển dụng cũng muốn biết mức độ bạn làm việc theo nhóm sẽ như thế nào. Bạn có thể làm việc với người khác hiệu quả không? Bạn có thể kết hợp các ý tưởng và quan điểm khác nhau vào thiết kế của mình không? Bạn có tin tưởng các thành viên trong nhóm của bạn với công việc của bạn?
Thiết kế UX là một quá trình hợp tác giữa các bộ phận liên quan trong doanh nghiệp. Nhân cơ hội này, bạn hãy chia sẻ về sự hợp tác thành công trước đây mà bạn có. Dự án nhóm, dự án trong doanh nghiệp bạn từng tham gia. Cho dù bạn chọn ví dụ nào, hãy nhớ chỉ ra vai trò của bạn trong nhóm, cách bạn vượt qua mọi thử thách, bạn học được gì từ đồng đội và sản phẩm hoàn chỉnh được hưởng lợi như thế nào từ sự hợp tác.
Bạn sẽ làm gì nếu được yêu cầu bàn giao dự án của bạn cho bên nhà phát triển (Developers)?
→ Nhà tuyển dụng muốn biết: bạn có bất kì khó khăn nào nếu làm việc với Dev hay không
Nếu ở vị trí mới bắt đầu, có thể bạn sẽ không gặp câu hỏi này thường xuyên. Nếu bạn đang ứng tuyển một vị trí đòi hỏi tầm 1 - 2 năm kinh nghiệm, chắc chắn bạn sẽ gặp câu hỏi này. Vì sao? Designer chúng ta sẽ làm việc với Developer rất nhiều. Chắc chắn sẽ có mâu thuẫn, tuy nhiên, cách bạn giải quyết mâu thuẫn để cộng tác cùng nhau là điều mà nhà tuyển dụng tò mò nhất.
Do đó, bạn cần chứng minh rằng bạn đồng ý với việc bàn giao các dự án của mình, miễn là chúng được giao cho những người tốt.
Mục tiêu của bạn
Bạn thấy mình ở đâu trong 5 năm tới?
→ Nhà tuyển dụng muốn biết: Mục tiêu dài hạn của bạn là gì?
Khi đọc tới câu hỏi này, chắc chắn bạn sẽ những ý nghĩ như: “Đâu ai biết trước được tương lai”, hay “Mục tiêu 1-2 năm mình còn mông lung chứ nói gì 5 năm”. Ở cương vị là một nhà tuyển dụng (và cũng là một con người đang sống và làm việc), mình có thể nói là: bạn nghĩ đúng rồi đấy.
Ở câu hỏi này, nhà tuyển dụng không cần biết chính xác mục tiêu của bạn như nào, nhưng bạn nên có một vài ý tưởng để bạn có thể hình dung, trong 5 năm tới, công việc hiện tại có thể cho bạn được những cột mốc nào.
Câu trả lời của bạn cho câu hỏi này nên có nhiều phần. Trước tiên, hãy giải thích lý do bạn tham gia lĩnh vực thiết kế UX và bạn hy vọng đạt được điều gì trong năm đầu tiên nếu được tuyển dụng vào công việc này.
Tiếp theo, giải thích cách bạn dự định nâng cao kiến thức và đạt được các kỹ năng mới. Nếu bạn dự định quay lại trường học để lấy bằng cấp cao hoặc chuyên về một lĩnh vực thiết kế UX cụ thể, hãy nói với người phỏng vấn. Cuối cùng, hãy cho người phỏng vấn biết bạn quan tâm đến việc phát triển cùng công ty và đảm bảo mục tiêu của bạn phù hợp với mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Tại sao bạn lại chọn vị trí này?
→ Nhà tuyển dụng muốn biết: Bạn và nhà tuyển dụng có thể cộng hưởng như thế nào
Việc tuyển dụng thật ra tốn rất nhiều chi phí, nào là quảng cáo tuyển dụng, sàng lọc các ứng dụng và thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn. Các nhà quản lý tuyển dụng không muốn trải qua tất cả nỗ lực này nếu cuối cùng họ sẽ thuê một người rời công ty sau vài tháng. Người phỏng vấn muốn biết bạn đam mê công việc và không muốn rời đi ngay.
Đây không phải là lúc để nói về mức lương hoặc nói với người phỏng vấn rằng bạn quan tâm đến lợi ích. Thay vào đó, hãy nói cụ thể về cách mô tả công việc phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của bạn. Hãy cho họ biết bạn rất vui khi được làm việc với một nhóm thiết kế có danh tiếng lớn trong ngành. Giải thích cách bạn dự định gia tăng giá trị cho doanh nghiệp nếu bạn nhận được công việc. Nếu bạn đam mê công việc, bạn sẽ có lợi thế hơn một chút so với ứng viên kém nhiệt tình hơn, ngay cả khi họ có nhiều kinh nghiệm hơn bạn một chút.
😄 Góc vui vẻ:
ChatGPT có thể giúp bạn tham khảo một số câu hỏi phỏng vấn cho vị trí bạn đang ứng tuyển nè, bạn có thể tham khảo thêm và trả lời theo cách riêng của mình nhé
Đọc thêm về các tips sử dụng ChatGPT cho UX/UI Designers tại đây
Comments