Nhắc đến Nhật Bản, 03 ấn tượng đầu tiên mà bạn nghĩ đến là gì?
Với mình, trước khi sang Nhật 03 điều đó là: (1) ý thức xã hội cao - (2) sạch - và (3)... “nó lạ lắm các bạn ạ”!
Cho đến hiện tại - khi đang viết bài viết này, tức là sau 03 năm sống và làm việc tại Nhật, những ấn tượng ban đầu mình có vẫn không thay đổi. Mình thậm chí cảm nhận rõ hơn những điều trên khi dấn thân vào làm sản phẩm và thiết kế trải nghiệm người dùng tại Nhật.
Thực vậy, tính đơn giản mà hiệu quả của nhiều sản phẩm Nhật Bản đã được ngưỡng mộ trong nhiều thế kỷ trên khắp thế giới.
Thông qua bài viết này, hãy cùng mình quan sát và phân tích thiết kế hệ thống tàu điện ngầm mà bạn có thể bắt gặp hoặc sử dụng hàng ngày khi tới Nhật và suy ngẫm về ứng dụng nguyên lý thiết kế phổ quát mà ta có thể học được từ xứ sở mặt trời mọc nhé!
Chúng ta thảo luận gì trong bài viết này?
Sơ lược khái niệm thiết kế phổ quát
07 nguyên lý thiết kế phổ quát: phân tích thiết kế hệ thống tàu điện ngầm tại Nhật Bản
Thiết kế phổ quát là gì?
Nếu bạn đang đọc bài viết này, có thể bạn đã nghe rất nhiều về khái niệm thiết kế trải nghiệm người dùng và đâu đó cũng nghe tới khái niệm thiết kế phổ quát.
Thiết kế trải nghiệm người dùng - User experience design (UXD/ UED), đúng như tên gọi của nó, là quá trình thiết kế với mục tiêu mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng. UXD bao gồm nhiều khía cạnh, trong đó có thiết kế giao diện người dùng, tính khả dụng, khả năng tiếp cận của người dùng với sản phẩm, kiến trúc thông tin, tương tác giữa người và máy.
Thiết kế phổ quát - Universal design (UD) - hiểu đơn giản là thiết kế đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi đối tượng người dùng. Đến đây, mình cá rằng nhiều bạn đang liên tưởng tới khái niệm one-size-fits-all. Không hẳn là vậy! Thiết kế phổ quát không hướng tới việc tìm kiếm một thiết kế cố định dùng cho mọi đối tượng kiểu áo phông freesize, thùng thình lúc mình gầy và ngắn cũn cho đứa bạn chơi bóng rổ lêu nghêu 193cm.
Hiểu một cách chính xác hơn, thiết kế phổ quát khuyến khích người làm thiết kế (designer) cân nhắc nhiều khả năng khác nhau của người dùng và từ đó đưa ra một thiết kế tối ưu nhất có thể nhằm cung cấp trải nghiệm, hoạt động và dịch vụ giống nhau (hoặc tương đương nhau) cho mọi đối tượng người dùng, mà không cần phải tạo ra nhiều thiết kế chuyên dụng tách biệt.
Ngoài những giải pháp chuyên biệt hoá đáp ứng những nhu cầu đặc thù, thiết kế phổ quát có thể bao gồm những giải pháp phổ quát thường thấy như:
Chức năng tùy chỉnh riêng cho từng đối tượng: Một ví dụ dễ hiểu cho giải pháp này là thiết kế bàn thông minh (smart desk / standing desk). Thiết kế chiếc bàn này cho phép người dùng có thể di chuyển bàn bằng bánh lăn hoặc cố định bàn ở một vị trí, hoặc có thể tùy chỉnh chiều cao của bàn, độ dốc của mặt bàn theo đặc điểm cơ thể và nhu cầu của bản thân.
Chức năng ghi nhớ thông minh: Một ví dụ cho giải pháp này mà mình muốn chia sẻ là chức năng lưu vị trí ghế ngồi của hãng xe mình yêu thích - Volvo - một trong những mẫu ô tô an toàn nhất thế giới đến từ Thuỵ Điển. Người lái, sau khi điều chỉnh vị trí ghế ngồi phù hợp với bản thân, thao tác ấn phím M rồi chọn 1 số 2 hoặc 3 số trên cửa xe để hệ thống ghi nhớ vị trí ghế. Nếu có 2-3 người cùng lái một chiếc xe, mỗi người có thể chọn lưu cho mình một số; như vậy từ các lần lái sau, người lái chỉ cần bấm số của mình, hệ thống tự động đưa ghế về vị trí thoải mái nhất với người lái đã được cài đặt trước đó.
Một số bạn thường nhầm lẫn thiết kế phổ quát là thiết kế chú trọng vào người khuyết tật. Hmm, có phần đúng nhưng… chưa đúng! Người khuyết tật chỉ là một nhóm đối tượng trong thiết kế phổ quát mà thôi.
Tóm lại, chúng ta nên hiểu thiết kế phổ quát là một thiết kế đảm bảo tất cả mọi người có thể tiếp cận, hiểu và sử dụng ở mức tối đa các sản phẩm, dịch vụ, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng được cung cấp, bất kể khả năng, tuổi tác, kích thước cấu tạo cơ thể, giới tính, hay sắc tộc.
07 nguyên lý thiết kế phổ quát: phân tích hệ thống tàu điện ngầm tại Nhật Bản
07 nguyên lý thiết kế phổ quát được phát triển và giới thiệu bởi một nhóm các nhà nghiên cứu, thiết kế sản phẩm và kiến trúc sư từ đại học Nam Bang Carolina (South Carolina State University). Các nguyên lý này bao gồm:
Nguyên lý 1: Equitable Use - Sử dụng công bằng
Nguyên lý 2: Flexibility in Use - Linh hoạt khi sử dụng
Nguyên lý 3: Simple and Intuitive Use - Đơn giản và Trực quan
Nguyên lý 4: Perceptible Information - Thông tin dễ chú ý
Nguyên lý 5: Tolerance for Error - Khả năng chịu lỗi
Nguyên lý 6: Low Physical Effort - Ít lao lực
Nguyên lý 7: Size and Space for Approach and Use - Kích cỡ, không gian tiếp cận và sử dụng
Để dễ hiểu hơn, mình sẽ phân tích 07 nguyên lý thiết kế phổ quát nêu trên thông qua ví dụ về hệ thống tàu điện ngầm ở Osaka - là thành phố mình đang sinh sống và làm việc. Phân tích này mô tả góc nhìn và trải nghiệm cá nhân, không mang tính khẳng định thông tin đúng sai. Nếu bạn biết, muốn chia sẻ thêm nhiều ví dụ khác, hoặc đưa ra góc nhìn khác hãy để lại lời nhắn trong phần bình luận nhé.
Nguyên lý 1 - Sử dụng công bằng
Trên nguyên lý này, thiết kế cần hữu dụng và hấp dẫn với nhiều đối tượng người dùng với các khả năng khác nhau:
Cung cấp cùng một dạng phương tiện cho mọi người dùng; những phương tiện này có thể giống hệt nhau, hoặc tương đương với nhau
Tránh phân biệt hoặc kì thị bất kỳ đối tượng người dùng nào
Các quy định về quyền riêng tư, bảo mật, và an toàn phải được cung cấp như nhau với mọi người dùng
Tạo thiết kế hấp dẫn với mọi người dùng
Nguyên lý 2 - Linh hoạt khi sử dụng
Trên nguyên lý này, thiết kế cần phù hợp với nhiều sở thích và khả năng của từng cá nhân:
Cung cấp lựa chọn các phương pháp sử dụng
Cung cấp cách tiếp cận và sử dụng từ cả hai phía trái và phải
Hỗ trợ người dùng thực hiện tác vụ mong muốn chính xác và tập trung
Cung cấp khả năng tùy ứng với tốc độ của từng người dùng
Với hai nguyên lý trên, mình sẽ phân tích ví dụ về lối đi xuống khu vực tàu điện ngầm Nhật Bản như sau:
Ví dụ: Lối đi xuống khu vực tàu điện ngầm Nhật Bản
Thông thường khu vực cổng xuống sẽ gồm thang bộ và thang máy gần nhau:
Thang bộ có sức chứa nhiều hơn so với thang máy, thuận tiện cho nhiều người di chuyển cùng lúc.
Thang máy buồng có sức chứa từ 8-11 người, ưu tiên nhưng không giới hạn cho người dùng khuyết tật hoặc có hành lý cồng kềnh.
Người bình thường hoàn toàn có thể lựa chọn sử dụng thang máy buồng nếu đôi chân quá rã rời sau một ngày đi bộ đường dài hoặc chỉ đơn giản vì thích. Ngược lại, những người khiếm thị hoặc có khó khăn khi di chuyển vẫn có thể sử dụng thang bộ nếu muốn.
Tại lối vào thang máy buồng có các đường gạch vàng dành cho người khiếm thị (cái này tiếng Anh gọi là tactile paving hoặc là tactile tiles - mình tạm dịch là gạch xúc giác nhé - nghe có vẻ lạ tai nhưng ta cứ chấp nhận vậy nhé!)
Tại lối đi thang bộ cũng có tactile paving dành cho người khiếm thị, đồng thời trang bị tay vịn nhằm hỗ trợ người dùng có khó khăn khi di chuyển.
Nguyên lý 3 - Đơn giản và trực quan
Trên nguyên lý này, thiết kế cần rõ ràng, dễ hiểu, bất kể kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ hoặc mức độ tập trung hiện tại của người dùng:
Loại bỏ sự phức tạp không cần thiết
Phù hợp với kỳ vọng và trực giác của người dùng
Cung cấp một loạt các tín hiệu đọc viết và ngôn ngữ
Sắp xếp thông tin phù hợp với tầm quan trọng của nó
Đưa ra lời nhắc và phản hồi hiệu quả trong và sau khi hoàn thành tác vụ tương ứng
Nguyên lý 4 - Thông tin dễ chú ý
Trên nguyên lý này, thiết kế cần truyền đạt thông tin cần thiết một cách hiệu quả cho người dùng, bất kể điều kiện môi trường xung quanh hoặc khả năng cảm nhận của người dùng:
Sử dụng nhiều chế độ khác nhau (hình ảnh, lời nói, xúc giác) để trình bày thông tin cần thiết.
Đảm bảo tương phản nhất định giữa thông tin quan trọng và môi trường xung quanh.
Tối ưu hóa "tính dễ đọc" của thông tin cần thiết
Đa dạng hoá các yếu tố của thiết kế thông qua mô tả, hay đưa ra chỉ dẫn hoặc điều hướng
Cung cấp khả năng tương thích với nhiều loại thiết bị hoặc kỹ thuật dành cho người có giới hạn về giác quan
Với hai nguyên lý này, mình sẽ phân tích một số ví dụ của hệ thống chỉ dẫn tàu điện ngầm của Nhật như sau:
Ví dụ: Hệ thống chỉ dẫn và điều hướng tàu điện ngầm
Theo quan sát của mình, ngoài chỉ dẫn bằng ngôn ngữ, biểu bảng, bản đồ, hệ thống chỉ dẫn tàu điện ngầm của Nhật Bản điều hướng người dùng bằng màu sắc, các minh hoạ mũi tên, và đường kẻ trên mặt đất.
Hệ thống tàu điện ngầm tại Osaka, Japan. Nguồn: Osaka Metro
Bạn có thể dễ dàng nhận diện các tuyến tàu khác nhau dựa trên màu sắc và mã số, chưa cần đọc tới tên. Đứng trên khu vực chờ bạn có thể quan sát được hướng di chuyển của tàu, các ga sẽ đi qua thông qua biển báo hiệu đơn giản dưới đây:
Hướng di chuyển, vị trí đợi được mô tả trực quan bằng mũi tên to rõ ràng, tương phản tốt giữa các chiều, các tuyến di chuyển. Không cần quá nhiều chữ để mô tả, thông tin cần truyền tải vẫn rất rõ ràng và dễ hiểu thậm chí với những người dùng không biết tiếng Nhật! Đồng thời, các thông báo khác cũng được biểu thị dưới một vài ngôn ngữ phổ biến tại Nhật gồm Nhật, Anh, Trung, Hàn.
Các đường vạch vàng giúp điều hướng cho người có khó khăn về thị giác được thiết kế dọc các lối đi, trước các thay đổi về phương tiện hoặc nhằm cảnh báo nguy hiểm.
Nguyên lý 5 - Khả năng chịu lỗi
Trên nguyên lý này, thiết kế cần cân nhắc tới việc giảm thiểu các nguy cơ, hậu quả bất lợi của các hành động ngẫu nhiên, ngoài dự kiến:
Sắp xếp các yếu tố trong thiết kế để giảm thiểu nguy hiểm và sai sót: yếu tố nào được sử dụng nhiều nhất, dễ tiếp cận nhất; yếu tố nào nguy hiểm cần loại bỏ, cách ly hoặc che chắn.
Đưa ra các cảnh báo nguy hiểm và rủi ro
Cung cấp các tính năng phản ứng nhanh khi lỗi xảy ra nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại
Ngăn cản hành động vô ý thức trong các tác vụ đòi hỏi sự cảnh giác
Hệ thống tàu điện ở Nhật thể hiện nguyên lý này rất rõ rệt qua hệ thống rào ngăn và nút bấm SOS khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Ví dụ: Hệ thống rào chắn và SOS
Để cảnh báo người tham gia di chuyển bằng tàu điện ngầm về khoảng cách an toàn khi có tàu vào ga, thiết kế bao gồm đường vạch vàng gồ ghề, đồng thời có thông báo bằng âm thanh rằng tàu sắp tới với hai ngôn ngữ Nhật và Anh, người dùng cần đứng sau vạch vàng để tránh nguy hiểm.
Thêm vào đó, nhằm tránh rủi ro nhất có thể, hệ thống rào chắn được lắp đặt tại nhiều tuyến tàu. Cửa rào chắn luôn đóng, chỉ mở ra khi tàu dừng lại, cho khách lên - xuống. Hướng cửa mở và các lưu ý đối với rào chắn cũng được mô tả cụ thể thông qua hình ảnh mô tả.
Trong trường hợp vẫn có tai nạn hoặc tình huống không lường trước xảy ra trên đường ray, thiết kế hệ thống tàu điện ngầm cho phép người dùng có thể đưa ra cảnh báo SOS ngay lập tức bằng cách bấm vào nút SOS trên các cột trụ gần vị trí đợi.
Nguyên lý 6 - Ít lao lực
Trên nguyên lý này, thiết kế cần đảm bảo để người dùng có thể sử dụng một cách hiệu quả, thoải mái và ít mệt mỏi nhất:
Cho phép người dùng duy trì vị trí cơ thể trung tính.
Dùng sức vận hành hợp lý
Giảm thiểu các hành động lặp đi lặp lại
Giảm thiểu việc sử dụng sức kéo dài
Nguyên lý 7 - Kích cỡ, không gian tiếp cận và sử dụng
Trên nguyên lý này, thiết kế cần đảm bảo kích cỡ và không gian thích hợp để người dùng có thể tiếp cận, thao tác và sử dụng, bất kể đặc điểm cơ thể, tư thế hoặc khả năng vận động:
Cung cấp tầm nhìn rõ ràng cho các yếu tố quan trọng dù người dùng đứng hay ngồi
Cho phép người dùng chạm tới tất cả các thành phần của thiết kế một cách thoải mái bất kể tư thế đứng hay ngồi
Cung cấp các biến thể cho các kích cỡ bàn tay và tay cầm
Cung cấp đủ không gian để sử dụng các thiết bị trợ giúp hoặc hỗ trợ cá nhân.
Để minh hoạ cho hai nguyên lý trên, mình sẽ phân tích thiết kế trong một toa tàu và điểm soát vé như dưới đây.
Ví dụ 1: Thiết kế tay cầm, vị trí ngồi trên toa
Thiết kế tay cầm được bố trí cả hai bên trái và phải, dọc thân tàu, với độ ngắn dài khác nhau phù hợp cho người dùng có chiều cao và đặc điểm thể chất khác nhau.
Ngoài các khu vực có ghế ngồi, trên toa có bố trí một khu vực không ghế sát cửa phía đầu toa, ưu tiên nhưng không giới hạn cho người dùng xe lăn, gia đình có con nhỏ sử dụng xe đẩy, hoặc người mang vác hành lý cồng kềnh khác. Nhờ đó các đối tượng người dùng này có thể nhanh chóng di chuyển lên toa và có không gian đứng hợp lý, không ảnh hưởng tới các đối tượng người dùng khác.
Thêm vào đó, khu vực này còn có thiết kế tay cầm cả ở tầm trung và thấp kèm mô tả bằng hình hoạ phi ngôn ngữ dễ hiểu.
Thời gian di chuyển giữa các ga tàu điện ngầm tương đối ngắn chỉ trong vài phút, do vậy việc người dùng phải đứng quá lâu trên tàu chỉ xảy ra trong giờ cao điểm. Cái này có lẽ vẫn là vấn đề khó nhằn của giao thông bất kể là nước nào.
Ví dụ 2: Điểm soát vé tự động
Điểm soát vé được thiết kế có thể sử dụng hai chiều vào ra, thanh toán bằng thẻ hoặc bằng vé. Khoảng cách giữa hai trụ vé vừa cho hai người đi ngược chiều hoặc một người di chuyển bằng xe lăn. Có nhiều cổng soát vé tự động đặt cạnh nhau, như vậy người dùng có thể chọn lối ít người, di chuyển nhanh chóng. Những người khó khăn khi di chuyển cũng không mặc cảm, khó xử với tâm lý sợ ảnh hưởng tới người khác.
Thêm vào đó chiều cao của cột soát vé vừa đủ để cả người ngồi xe lăn hoặc người di chuyển với tư thế đứng đều dễ dàng đọc thông tin và thao tác.
Kết luận
Trên đây chúng ta đã cùng điểm qua khái niệm thiết kế phổ quát - Universal Design, 07 nguyên lý thiết kế phổ quát và ví dụ về ứng dụng nguyên lý thiết kế phổ quát trong hệ thống tàu điện ngầm tại Nhật Bản nói chung và Osaka nói riêng.
Nắm vững khái niệm và nguyên lý thiết kế phổ quát sẽ hỗ trợ chúng ta - những người làm thiết kế - tạo ra các sản phẩm, dịch vụ hoặc hệ thống bền vững, lấy người dùng làm trung tâm, thúc đẩy một xã hội công bằng, đa dạng và hoà nhập.
Cảm ơn các bạn đã đọc hết bài viết. Mình là Trang, hiện đang làm việc tại ACworks Japan với vai trò một Product Designer. Mình rất vui được kết nối với các anh, chị, em, bạn bè cùng sở thích và đam mê về làm sản phẩm và trải nghiệm người dùng.
Kết bạn với mình tại Linkedin nhé!
Tác giả: Trang Hoang
Comments